Kể từ khi có ý tưởng và bắt tay vào viết bài này, tôi không ngừng hoài niệm và tiếc nuối một trang web lâu đời nay đã không còn. Dám cá những bạn, những anh chị du học sinh Đức đời đầu không còn xa lạ với cái tên hotrosv.de, nơi mọi kiến thức, kinh nghiệm, chia sẻ về du học Đại học (ĐH) Đức bằng tiếng Việt hoàn toàn miễn phí. Mọi người viết về những bài thi đầu vào, trải nghiệm cuộc sống ở Đức và nhờ nó mà nhiều bạn bè tôi biết tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí làm hồ sơ, họ cũng đỡ bỡ ngỡ hơn cho lần đầu sang Đức.
Ấy thế nên, khi muốn viết về những năm tháng Cử nhân, những cú shock đầu đời trên giảng đường ĐH Đức, tôi chợt tự hỏi, nếu hotrosv.de còn, bài viết này sẽ hữu ích đủ để được đăng hay không. Bài viết này, tôi muốn mình zoom cận cảnh vào nền giáo dục bậc ĐH và sau ĐH miễn phí, điểm qua những cái “được” và những cái “mất” một cách công bằng nhất.
Học ĐH miễn học phí – nên được hiểu như thế nào cho đúng?
Ở Đức, đa phần các trường ĐH công lập không thu học phí các ngành đào tạo Cử nhân và Thạc sỹ (học bằng tiếng Đức) đối với sinh viên quốc tế (ngoài EU, ngoại lệ là các trường ở bang Baden-Württemberg từ năm 2017 thu học phí với mức 1500 €/học kỳ). 1 https://www.mystipendium.de/studienfinanzierung/studiengebuehren Như bạn thấy, điều đó có nghĩa là các ngành đào tạo bằng tiếng Anh, hay các trường tư nhân thì việc miễn thu học phí là ít, hoặc không có. Tuy không có học phí “chính thức”, sinh viên vẫn phải đóng một khoảng phí nhỏ, gọi là phí quản lý học kỳ, dao động trên dưới 150€ cho mỗi học kỳ. Tùy từng trường và từng bang, phí này có thể bao gồm chi phí đi lại, toàn phần hoặc một phần (ở Muenchen phí học kỳ tới gần đây vẫn bao gồm phí tàu công cộng từ 18h – 6h sáng hôm sau các ngày trong tuần; cuối tuần và ngày lễ được đi tàu cả ngày).
Bài viết ở 2 https://www.studis-online.de/studienkosten/ liệt kê khá đầy đủ các khoảng chi cơ bản của một sinh viên. Đối với sinh viên ngoài EU, để được gia hạn visa hay đúng hơn là cấp thẻ cư trú, trong trung bình 2 năm đầu bạn phải có tài khoản khóa (Sperrkonto) với tổng số tiền là 10.332 €, tương đương 861 € một tháng, sinh hoạt phí tối thiểu. Đây là số liệu cũng như yêu cầu của sở ngoại kiều thành phố München, trên trang tin chính thức của bộ ngoại giao Đức, số tiền cần có trong Sperrkonto từ 01.01.2023 đã được nâng lên 11.208 €, ứng với 934 € cho một tháng. Nguồn tin cho những số liệu này, bạn đọc có thể tham khảo chú thích được đánh số trong bài hoặc danh mục các website tôi trích dẫn ở cuối trang Đến những năm sau, nếu có đi làm thêm, bạn cũng có thể nộp bảng lương 6 tháng gần nhất và sao kê tài khoản với khoảng 5000 €. 3 https://stadt.muenchen.de/service/info/hauptabteilung-ii-buergerangelegenheiten-auslaenderangelegenheiten/1089339/ / 4 https://www.auswaertiges-amt.de/de/sperrkonto/375488/
Ngoài ra chi phí học tiếng Đức cũng không thể xem nhẹ. Để học tốt chương trình cử nhân cũng như hoà nhập cuộc sống ở Đức thuận lợi, xây dựng network hiệu quả thì trình độ B2 chỉ mới suýt soát vừa đủ. Thêm vào đó, tuy có tiếng Anh tốt là một lợi thế lớn, các ngành học hoàn toàn bằng tiếng Anh khá ít, cơ hội việc làm thêm (Werkstudent – working students) nếu không thạo tiếng Đức rất hạn chế. Vì vậy, rất mong các bạn có đam mê học tập tại Đức đừng xem nhẹ việc trau dồi và luyện nghe nói thành thạo ngôn ngữ bản địa. Dù lớp trẻ hiện đã thông thạo tiếng Anh, đa phần người Đức bạn tiếp xúc hằng ngày (chủ nhà, thu ngân, nhân viên tư vấn,..v.v…) ít thích và hầu như rất ít nói tiếng Anh.
Chi phí nhà cửa là một khoảng khá căng, đặc biệt trong những năm gần đây khi mà giá thuê nhà tăng cao, số lượng sinh viên lớn dẫn đến việc chờ phòng ký túc xá kéo dài ít nhất 2-3 kỳ. Trung bình, một phòng riêng cho các bạn sinh viên trong WG (Wohngemeinschaft) có hợp đồng hẳn hòi, đủ nội thất ở München đang vào khoảng 500€ – 750€. Giá càng rẻ thì đa phần quãng đường tàu xe vào đến khu Đại Học càng xa. Tuy tìm nhà vừa túi tiền là một thách thức lớn với sinh viên vừa mới sang, phần đông các bạn sinh viên trong thời gian chờ vào ký túc xá, với một chút may mắn, thường không khó tìm ra một hoặc nhiều giải pháp tạm thời.
Nếu có vốn tiếng Đức trôi chảy, lại năng động và tích cực tìm kiếm, bạn lại càng có lợi thế trong “cuộc chiến tìm nhà”. Khi có dịp, tôi hẹn sẽ chia sẻ chủ đề này sâu hơn.
💡Dù được miễn học phí, các bạn sinh viên quốc tế cũng nên tìm hiểu thành phố hay trường ĐH mình yêu thích cho thật kỹ. Cân nhắc và tính toán chi phí một cách chi tiết nhất có thể. Tài chính nên được chuẩn bị đủ để trang trải các khoản chi bắt buộc như tiền nhà, tiền trong tài khoản khóa khi gia hạn thẻ cư trú, đặc biệt các khoản phát sinh trong thời gian đầu khó tránh khỏi khi chưa được/chưa thể đi làm thêm.
Điều gì khiến du học tại Đức vẫn cực kỳ thu hút sinh viên quốc tế?
Thế nhưng, sức hấp dẫn của nền giáo dục ĐH Đức vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong nhiều năm qua mà đặc biệt là cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Đức đã và đang lớn dần thêm từng ngày. Một vài lợi thế của Đức khiến nơi đây có sức hút không kém du học Mỹ:
Ở Đức, các bạn sinh viên được đi làm thêm 20 tiếng mỗi tuần và thậm chí toàn thời gian (40 tiếng) vào kỳ nghỉ hè hoặc đông. Hạn mức này cũng được áp dụng cho các sinh viên quốc tế có thẻ cư trú hợp pháp và phần bị chú nêu rõ được đi làm thêm không quá 120 ngày / năm hoặc 240 nửa ngày / năm. Dẫu cho vẫn tồn tại tranh cãi liệu sinh viên chỉ là nguồn lao động giá rẻ cho các công ty lớn, mức lương theo giờ của sinh viên làm thêm ở nơi uy tín dao động vào khoảng 12 € – 17 €/h. 5 https://www.campusjaeger.de/karriereguide/gehalt/gehalt-werkstudent#steuern . Ngoài ra, mức lương cơ bản của người lao động ở Đức nói chung, đang là 12 € cho một giờ và từ 01.01.2024 sẽ tăng lên mức 12,41 €/h. 6https://www.bundesregierung.de/breg-de/aktuelles/mindestlohn-faq-1688186
Chủ đề sinh viên đi làm, làm gì, ở đâu, lợi và hại như thế nào,.. v.v. là một đề tài rất rộng mà muốn kể đủ, chia sẻ trọn chắc bài viết này sẽ như tờ sớ Táo Quân mất thôi! Nếu bạn đọc yêu thích và muốn biết thêm, tôi sẽ có một bài viết sâu hơn về đề tài này.
Chất lượng đào tạo bậc ĐH và sau ĐH ở Đức nhìn chung cao, bạn không thể / khó có thể tốt nghiệp mà sở hữu ít kỹ năng và kiến thức chuyên . Với khối lượng kiến thức lớn, cùng lối học bắt buộc bạn phải chủ động tìm tòi, lên kế hoạch học tập kỹ càng – giảng đường ĐH Đức tôi luyện cho bạn một … thần kinh thép. Thêm vào đó là thói quen (phải) tự học, sự hiểu sâu và biết cách ứng dụng kiến thức đã học để hiểu các vấn đề cốt lõi của ngành, chuyên ngành bạn đang theo học. Nghĩa là, không chỉ đơn thuần học vẹt là có thể qua môn; nhiều môn các thầy cô còn cho phép mang cheat sheet vào phòng thi để tra cứu nữa cơ.
Hơn nữa, học ĐH ở Đức khuyến khích bạn đặt câu hỏi, càng nhiều càng tốt. Tôi nhận ra, khi không biết hỏi gì, tôi đang không thực sự hiểu phần kiến thức được trình bày trong tiết. ĐH Đức đào tạo sinh viên, trang bị cho họ không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn những kỹ năng mềm cần thiết cho sự nghiệp, như là giao tiếp, làm việc nhóm hiệu quả, viết tiểu luận, báo cáo chỉn chu,…v.v. 7 https://academia.stackexchange.com/questions/154683/why-do-german-universities-rank-so-low-internationally
(Khi tìm thêm tài liệu cho phần này, tôi khá bất ngờ khi phát hiện các trường ĐH không xếp hạng rất cao trên BXH toàn cầu, và trang thảo luận tôi trích ở đây có những luận điểm khá thú vị giải thích cho hiện tượng này. Xin lưu ý là trong nước Đức hầu như ranking – thứ hạng không là yếu tố “sống còn” khi lựa chọn trường, chọn ngành. Khi nói đến chất lượng đào tạo, hàm ý của tôi thiên về khả năng am hiểu kiến thức chuyên ngành, cơ hội tìm được việc làm hoặc tiếp tục nghiên cứu học thuật ở bậc cao hơn)
Với các ngành STEM, thị trường việc làm dành cho các bạn sinh viên mới ra trường vẫn đang lớn và chưa bão hòa. Bạn hãy thử dạo một vòng các nền tảng tìm việc như LinkedIn, Stepstone, indeed mà xem. Chỉ vài từ khoá về công việc trong ngành kỹ thuật và khoa học tự nhiên, bạn chắc phải lướt rất nhiều trang mới đến được trang cuối cùng. Tìm được một công việc phù hợp ở Đức không quá xa vời khi bạn:
- Có kiến thức vững từ trường ĐH
- Có trau dồi kỹ năng về phần cứng/phần mềm qua các công việc Werkstudent
- Sở hữu vốn tiếng Đức chuyên ngành tốt, có thêm tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ khác là một điểm cộng lớn
- Năng động và nhanh nhạy; tích cực tìm kiếm cơ hội và chủ động ứng tuyển.
Ở đây tôi chủ động tránh dùng cụm từ “văn phòng” khi nói về Werkstudent vì tính chất các công việc ngành STEM rất khác nhau; có thể làm trong Büro, có thể trong Lab, có thể là hỗ trợ, điều khiển máy móc thiết bị test và sản xuất,…v.v.
Không có con đường nào trải đầy hoa hồng và du học Đức, rộng hơn nữa là sinh sống và làm việc tại Đức, cũng thế. Ngoài yếu tố năng lực, bạn nên xác định mình có niềm yêu thích với cuộc sống, văn hóa nơi đây hay không. Môi trường ở Đức chuộng các bạn sinh viên năng động, biết sắp xếp cân bằng việc học / việc làm để phát triển toàn diện. Cùng với khó khăn, giảng đường ĐH Đức cũng mở ra nhiều cơ hội thú vị, dành cho những ai chủ động tìm kiếm và nỗ lực hết mình. No pain, no gain – as its finest meaning.
Khi bắt tay vào viết và chỉnh sửa, tôi không nghĩ là nó … ngộp đến vậy. Bản thảo chưa xong của tôi đã lên đến con số hơn 3000 từ mà tôi vẫn chưa hoàn chỉnh hai câu hỏi tôi lấy làm mục tiêu: Du học Đức, rốt cuộc để nhận lại gì và đánh đổi điều gì? 7 năm ở Đức gói gọn trong 2 bài viết thực quá khó. Thế nhưng nếu được ủng hộ, tôi sẽ hy vọng chỉ tuần sau thôi, phần 2 của bài viết này sẽ “lên sóng”. Bis dann!
(còn tiếp)
- 1
- 2
- 3
- 4https://www.auswaertiges-amt.de/de/sperrkonto/375488/
- 5
- 6
- 7