Nếu được hỏi ở Sài Gòn có gì mà vui, có gì mà đáng để kéo vali về hằng năm, ngoại trừ lý do về thăm gia đình, mình sẽ trả lời là: Được đi Nhà Sách! Ở Sài Gòn, mình có thể ngày nào cũng ăn dầm nằm dề ở những hiệu sách nhỏ to mà không biết chán. Hình như khi thương mại điện tử ngày càng phát triển, việc ở nhà ngồi máy đặt mua sách online ngày càng dễ dàng, tiện lợi hơn, mình lại càng đam mê đi Nhà sách. Không chỉ để đọc, để háo hức tận tay mở trang sách mới tinh, ngửi mùi giấy mới thơm phức, đôi khi mình vào Nhà Sách với tâm thế hệt như đi buổi hẹn hò đầu tiên. Có đôi khi, quyển đang được lăng xê rầm rộ hóa ra không hấp dẫn đến thế. Có lúc, ở một xó xỉnh nào đó mình lại tìm được quyển sách cực tâm đắc mà nếu như chỉ lướt qua trên màn hình điện thoại, có lẽ mình sẽ không bao giờ đặt mua.
26 tuổi, mình lựa sách y như lựa người yêu, haha. Những năm mới chập chững vào đời, những cuốn sách hào nhoáng, bìa sách đầu tư công phu rất dễ thu hút mình nhá, không thể tin được. Rồi những tác giả cho giới trẻ nổi nổi như Iris Cao, Gào,… bắt đầu xuất bản những quyển nặng về miêu tả tâm tư; ngẫm lại mình thấy thực sự là mình không thích, không phù hợp, nhưng hồi đấy phát cuồng kiểu muốn mua cho bằng được; chẳng qua … nó đẹp! Nói chung lúc đó, ngoài dòng sách hư cấu và trinh thám, cùng một vài bộ sách kinh điển, gu sách phi hư cấu của mình nó … tệ thật sự. Cũng không mua nhiều, nhưng thường đọc xong gấp lại hầu như mình chẳng nhớ gì.
Đợt này về Việt Nam mình được sống lại thú vui đi nhà sách, luôn là một phần rất rất vui của tuổi thơ mình. Hơn thế nữa, trong tâm thế rất lâu rồi mới “lượn” nhà sách nhiều vậy, mình nghiệm ra, mình bị cuốn hút không chỉ bởi sách viễn tưởng hay tiểu thuyết trinh thám mà còn là sách kỹ năng sống, khoa học thường thức, tâm lý học hành vi. Cả về tài chính cá nhân hay tập trung cao độ trong thế giới ồn ào, cân bằng cuộc sống đi làm, đi học và phát triển mối quan hệ nữa.
Em gái mình thì ngạc nhiên: “Ủa chị Bảo giờ hay thích sách self-help quá ha!” khiến mình bật cười. Với mình, có một ranh giới cực kỳ lớn giữa sách self-help và sách mà mình thích gọi là Kỹ năng sinh tồn và trở thành người lớn có trách nhiệm.
Một ngày nào đó, đẹp trời (hoặc không), bạn sẽ thức dậy và nhận ra rằng từ lâu cuộc sống của bạn đã không còn chỉ gói gọn trên cung đường từ nhà đến trường đại học. Ngày của bạn không còn chỉ lên lớp, lên lab, về nhà, đi tụ tập bè bạn. Những nỗi lo “tủn mủn” cơm áo gạo tiền, trao đổi với sếp, làm việc nhóm với team, gặp đối tác và khách hàng, đi networking, chuẩn bị CV, lo lắng về cuộc phỏng vấn tuyển dụng sắp đến gần, …etc bỗng nhiên chiếm trọn tâm trí và giành giật từng xen-ti-mét vuông trong não bộ của bạn. Khi đó, 24 giờ trở nên quá ít ỏi, 7 ngày trong tuần không tải nổi mớ công việc bạn phải làm, nói gì đến công việc bạn muốn làm.
Và chính lúc đó, bạn mới nhận thấy, có lẽ mình nên học thêm một chút kỹ năng quản lý thời gian, thói quen sắp xếp công việc hiệu năng cao nhất, mà không phải rơi vào cái hố đen mang tên Burn-out. Đó là lúc mình cảm thấy biết ơn vì đọc được những cuốn sách dạy kỹ năng mình còn yếu, những cuốn sách thực tế với kiến thức khoa học và nền tảng được chứng thực chứ không phải kiểu sách self-help truyền thống hô hào thì dễ “Hãy tích cực lên đi!”, “Hãy là người đi ngược đám đông!”,…v.v.. nhưng thiếu hướng dẫn thực hành và thường dành cho một nhóm độc giả cực kỳ hẹp.
Lần này về, mình ngạc nhiên nhận ra mình đã có sự chọn lọc khắt khe hơn. Có những quyển khi lướt qua vài trang cũng như tóm tắt, mình biết, sẽ là cuốn sách tốt, nhưng nó không giúp mình nhiều ở giai đoạn cuộc đời này. Nó phù hợp với mình hơn ở những năm 19-20 tuổi kia. Nhưng với tính cách, đặc thù công việc, lịch trình và kinh nghiệm bây giờ, quyển sách mang lại ít giá trị hơn cho mình.
Cũng có nhiều quyển được giới chuyên môn đánh giá cao, chủ đề thì cũng rơi vào mảng mình muốn tìm hiểu, muốn học hỏi. Thế nhưng mình vẫn không mua, vì mình chưa chạm đến ngưỡng “trưởng thành” đủ để đọc hết, hiểu hết. Và vì thế, mình cho là cũng sẽ lãng phí. “Khi học trò sẵn sàng, thì người thầy sẽ xuất hiện” – ở tuổi 26, mình ham mê học hơn bao giờ hết (hơn lấy chồng nè ahihi). Tuy nhiên, nếu chưa đến lúc mình có đủ quan sát và trải nghiệm để hiểu và ứng dụng được bộ kỹ năng mà quyển sách muốn nhấn mạnh, đó là một điều rất đáng tiếc. Mình sẽ vui hơn, nếu áp dụng được cái mình học vào công việc hằng ngày, vào những mối quen thân tình, để có sự an yên và tiếp tục nỗ lực đi xa hơn. Đúng “sách”, nhưng lại sai thời điểm, mình sẽ để lại sách trên kệ mà không xuống tiền mua nó.
Đam mê đi nhà sách chi không biết để rồi về nhung nhớ quà trời Sài Gòn luôn nè trời. Mình đã quay về Đức được gần hai tháng, sách vì nặng cũng không đem theo được nhiều. hành ra chỉ có thể viết bài luyến tiếc và chia sẻ những đăm chiêu ngổn ngang chiều rong ruổi ở Xuân Thu, Hải An thôi. Mong sớm lại được gặp lại nha Sài Gòn ơi!